"Tháp nhu cầu Maslow và những giá trị cốt lõi" - Mr. Tùng, Quản lý vùng
Tiếp nối những buổi sinh hoạt văn hóa “con người mới - góc nhìn mới” hôm nay chúng ta đến với bài chia sẻ của Mr. Tùng - Quản lý vùng với chủ đề Tháp nhu cầu Maslow trong công việc và những giá trị cốt lõi của bản thân.
Tháp nhu cầu Maslow trong công việc
Tháp nhu cầu Maslow là mô hình kim tự tháp phân tầng 5 loại nhu cầu cơ bản của con người được đề xuất bởi Abraham Maslow trong bài viết "A Theory of Human Motivation" năm 1943. Maslow hiện nay được áp dụng rất nhiều trong quản lý nhân sự mà chính Mr. Tùng cũng đang sử dụng để phục vụ cho công việc việc mình.
Nhu cầu về thể chất và sinh lý: Ăn, uống, ngủ nghỉ, đi lại,… Ai đi làm cũng mong muốn đáp ứng điều này đầu tiên.
Nhu cầu về an toàn: An toàn tính mạng, tài sản, nghề nghiệp, an toàn lao động, tâm lý,… Đó là một môi trường làm việc lành mạnh, được đảm bảo an toàn, bạn bè đồng nghiệp vui vẻ, luôn luôn hỗ trợ lẫn nhau.
Nhu cầu xã hội: Giao tiếp xã hội, bạn bè, đồng nghiệp, hi vọng được yêu thương và quan tâm. Là được giao lưu, kết nối, học hỏi với những người cộng sự của mình.
Nhu cầu tôn trọng: Mong muốn có được địa vị, được mọi người công nhận và tôn trọng, được yêu mến,…Ai cũng muốn được công nhận với những thành quả trong công việc mà mình đã đạt được.
Nhu cầu thể hiện bản thân: Đây là nhu cầu cao nhất hướng đến việc phát huy tiềm năng bản thân để trở thành người thành đạt, nắm quyền lực trong xã hội, tổ chức,… Khi đã được ghi nhận thì bản thân sẽ muốn có thêm nhiều cơ hội để thể hiện bản thân hơn, muốn được thăng tiến lên những cấp bậc mong muốn.
Giá trị cốt lõi của bản thân
Giá trị cốt lõi của con người là những thứ định nghĩa con người bạn, định hướng những quyết định và hành động trong cuộc sống của bạn. Với Mr. Tùng, từ trước đến nay luôn giữ cho mình 5 yếu tố cốt lõi:
Tâm: Khi làm một công việc gì luôn đặt cái tâm và sự tận tâm vào đó, đặt lợi ích của công ty và đồng nghiệp lên trên hết, làm việc bằng sự chân thành và trách nhiệm cao.
Nhận: Luôn nhận trách nhiệm về mình và ghi nhận người khác, là một quản lý thì điều này cần phải được coi trọng hơn bao giờ hết.
Yêu: Yêu thương mọi người, hỗ trợ mọi người dù là cấp trên hay cấp dưới, còn có cả tình yêu với công việc mà mình đang làm.
Chính: Chính trực, trung thực, không gian lận, không tư lợi cá nhân luôn tuân thủ những đạo đức nghề nghiệp.
Giản: Suy nghĩ mọi thứ đơn giản nhất, “vạn dặm đều xuất phát từ những bước chân đầu tiên”, luôn tìm cách làm việc đơn giản, dễ hiểu, tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng công việc.
Khi hiểu được bản thân mình thì dù ở đâu, làm công việc gì thành công cũng sẽ nhanh chóng tìm đến bạn. Cảm ơn những chia sẻ thú vị của Mr. Tùng, mong rằng sau hôm nay chúng ta cũng sẽ biết được mục đích của bản thân mình đi làm là gì và có cho mình những giá trị cốt lõi để khẳng định được bản thân.