Tự kỷ luật - Bí quyết thành công hay "gông cùm" của tuổi trẻ?
Hà Nội, ngày 12/11/2024, Không khí tại văn phòng Cardina sáng thứ Ba vừa qua trở nên nóng hơn bao giờ hết với buổi chia sẻ truyền thống hàng tuần. Anh Tuấn, đại diện phòng Digitals, đã mang đến một chủ đề "nóng hổi": Tự kỷ luật - Nền tảng cho thành công của người trẻ. Buổi chia sẻ không chỉ truyền tải kiến thức mà còn khơi mào những tranh luận sôi nổi về bài toán cân bằng giữa kỷ luật và tự do, đặc biệt là đối với thế hệ Gen Z năng động.
Khác với những buổi chia sẻ chuyên môn khô khan, bài nói của anh Tuấn như một cuộc trò chuyện gần gũi, thân tình giữa những người đồng nghiệp. Với phong thái tự tin và chất giọng truyền cảm, anh dễ dàng dẫn dắt người nghe đi từ những khái niệm cơ bản đến những ví dụ thực tế, những câu chuyện "cười ra nước mắt" mà ai cũng ít nhất một lần "dính" phải.
Mở đầu buổi chia sẻ, anh Tuấn đặt vấn đề: “Kỷ luật tự thân liệu có dễ dàng với người trẻ?” Anh chia sẻ góc nhìn của mình về khái niệm “kỷ luật”, phân tích rõ ràng, dễ hiểu về sự kết hợp giữa “kỷ” - trật tự và “luật” - nguyên tắc, ràng buộc. Anh khẳng định: Tự kỷ luật chính là chìa khóa giúp người trẻ làm chủ bản thân, làm chủ công việc và cuộc sống, đạt hiệu quả cao, sự nghiệp bền vững. Tuy nhiên, anh Tuấn không né tránh sự thật phũ phàng: "Việc tự kỷ luật bản thân, đặc biệt là với người trẻ chúng ta, thực sự rất khó."
Không dừng lại ở lý thuyết suông, anh Tuấn “bắt bài” hàng loạt căn bệnh trì hoãn kinh niên của người trẻ: lên kế hoạch học 3000 từ vựng tiếng Anh trong 1 năm, nhưng được vài hôm thì lại quên béng; quyết tâm uống đủ 3 lít nước mỗi ngày, sắm hẳn chai 1,5 lít để cạnh bàn, nhưng cuối ngày cốc nước vẫn còn nguyên… Những ví dụ gần gũi, hài hước này đã khiến cả khán phòng cười nghiêng ngả. Có người gật gù, có người “giật mình” nhìn lại bản thân, nhận ra hình bóng của chính mình đâu đó trong những câu chuyện anh Tuấn kể.
Một câu hỏi được anh Tuấn đặt ra “Làm sao để kiên trì? Làm sao để bền bỉ?”, đã ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả. Một bạn trẻ mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình: “Kỷ luật là đặt ra khuôn khổ, quy định để bản thân và tổ chức hoạt động”. Tiếp thu ý kiến đóng góp, anh Tuấn khéo léo dẫn dắt đến định nghĩa hoàn chỉnh về kỷ luật tự thân: khả năng của mỗi người tự mình duy trì trật tự, tuân thủ nguyên tắc, thực hiện công việc một cách đều đặn và có trách nhiệm mà không cần sự nhắc nhở, ép buộc từ người khác.
Anh Tuấn tiếp tục phân tích sâu hơn về những lợi ích tuyệt vời của tính kỷ luật: Nâng cao hiệu quả công việc, tăng sự tự chủ, làm nền tảng cho thành công bền vững. Anh nhấn mạnh vào nguyên tắc tự giác, tự chủ, kiên định trong quá trình rèn luyện bản thân, để rồi khẳng định: “Kỷ luật không phải là ‘gông cùm’ trói buộc sự tự do mà chính là ‘chìa khóa’ mở ra cánh cửa tự do đích thực cho mỗi người."
Anh không quên dẫn chứng bằng câu nói nổi tiếng: "Không phải tài năng thiên phú mà sự kiên trì và bền bỉ mới chính là chìa khóa của thành công". Anh cũng phân tích về mối quan hệ mật thiết giữa kỷ luật, thói quen, sự kiên trì và thành công, cho thấy tính kỷ luật có vai trò quyết định như thế nào trong việc hình thành thói quen tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho sự bền bỉ và cuối cùng là chạm đến thành công.
Phần chia sẻ của anh Tuấn càng thêm phần “nặng ký” khi anh đưa ra hàng loạt ví dụ về những cám dỗ dễ khiến người trẻ “phá vỡ” kỷ luật: lời rủ rê đi “làm vài cốc bia” của đồng nghiệp khi deadline đang cận kề, hay sự cám dỗ của những video giải trí hấp dẫn khi đang cố gắng học tiếng Anh… Khán phòng lại được phen cười nghiêng ngả, nhưng lần này, đằng sau tiếng cười là những trăn trở, suy tư.
Đặc biệt, câu chuyện của một người bạn của anh, người suýt bị lôi kéo đi nhậu nhưng cuối cùng đã giữ vững lập trường nhờ nhớ đến lịch tập gym, hay câu chuyện của nhân vật Tuấn Anh bị “lung lay” ý chí trước tin anh bạn trúng số, đã phơi bày chân thực những cuộc chiến nội tâm giữa kỷ luật và cám dỗ mà bất kỳ ai cũng từng trải qua.
Điểm sáng của buổi chia sẻ chính là phần đóng góp ý kiến sôi nổi của anh Phương, Giám đốc công ty. Anh đã đưa cả siêu sao bóng đá C.Ronaldo vào bài chia sẻ, phân tích về chế độ sinh hoạt, tập luyện nghiêm khắc của cầu thủ này, và đặt câu hỏi đầy thách thức: “Tại sao thế giới 8 tỷ người chỉ có vài người như thế?” Anh kết luận: kỷ luật tự thân vô cùng khó, chính vì vậy, số người thành công thực sự luôn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Buổi chia sẻ của anh Tuấn đã kết thúc trong không khí sôi nổi, để lại nhiều suy ngẫm cho người tham dự. Kỷ luật hay tự do – đâu là chìa khóa thành công cho người trẻ? Câu hỏi này chắc chắn sẽ còn được tranh luận nhiều trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là bài chia sẻ đã tạo nên “cú hích” mạnh mẽ, khích lệ tinh thần tự hoàn thiện bản thân, hướng tới thành công cho các thành viên của Cardina, đặc biệt là các bạn trẻ. Chắc chắn, tinh thần kỷ luật sẽ tiếp tục được “gieo mầm”, lan tỏa trong những buổi chia sẻ tiếp theo của công ty.