“Tôi yêu công việc của mình trong từng phút giây, điều đó giúp cho tôi làm việc không biết mệt mỏi, càng làm tôi càng yêu thích và hăng say. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng nếu chỉ một mình bản thân cố gắng thì có cố hàng trăm, hàng nghìn lần thì cũng không thể mang lại kết quả gì. Điều cần ở đây chính là sức mạnh của tập thể, mọi người phải cùng đi lên thì mục đích cuối cùng mới thực hiện được”. Đó là lý do Ms.Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị có mặt trong buổi chia sẻ văn hóa hàng tuần của Cardina ngày hôm nay để “truyền lửa” đến mọi người. 

Động lực là gì? 

Động lực là sự khao khát và tự nguyện của mỗi cá nhân nhằm phát huy mọi nỗ lực để hướng bản thân đạt được mục tiêu của cá nhân và mục tiêu của tổ chức.

Còn thiếu động lực là sự chán nản, không có mục tiêu làm việc hay làm điều gì để cải thiện cuộc sống. Thiếu động lực là một thứ rất khó để đo lường, nó được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Nhưng trong công việc, chúng ta thấy đó là sự trì trệ, không còn hăng say làm việc để mang đến hiệu quả cho tổ chức hay từng cá nhân. 

Ms. Hiền trong buổi chia sẻ với chủ đề phát huy nội lực bản thân 

Làm thế nào để thúc đẩy động lực?

“Không một ai, ngay cả những nhà lãnh đạo hay ban giám đốc có thể chữa trị căn bệnh mất động lực cho mỗi cá nhân”. Vậy làm thế nào để chữa trị nó? Tùy vào quan điểm của mỗi người để tìm “liều thuốc” phù hợp nhất. Có thể là tự mình chữa lành cho bản thân; tự mình phát huy nội lực bằng mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung của tổ chức; một môi trường làm việc phù hợp; có được người lãnh đạo truyền lửa; những người đồng nghiệp gắn bó và hỗ trợ hay những cơ chế chính sách đãi ngộ…

Góc nhìn nào cũng đáng được tôn trọng nhưng chắc rằng điều mà tất cả chúng ta đều nhận thấy được đó chính là việc “phát huy nội lực, tự mình tạo nên động lực cho bản thân. Bởi khi bạn đã không còn sự cố gắng nỗ lực thì không có ngoại cảnh nào có thể tác động được khi không có gốc rễ để bám víu”. Làm thế nào để bản thân mình có được nội lực, luôn hạnh phúc và vui vẻ trong mỗi công việc để tạo ra tính hiệu quả? 

Thứ nhất, sự tương tác trong công việc để hướng tới mục tiêu chung. Chúng ta dành rất nhiều thời gian trong một ngày để tiếp xúc và làm việc cùng nhau. Mỗi ngày đó nếu chúng ta tương tác một cách vô tư, thoải mái, cởi mở và dành cho nhau sự yêu quý thật lòng thì chắc chắn công việc sẽ luôn đạt được hiệu quả. Khi chúng ta biết chia sẻ, những khúc mắc sẽ được giải đáp, những vấn đề sẽ có được hướng giải quyết tốt nhất. 

Thứ hai, liệu lương có phải là yếu tố quan trọng? Nếu việc tăng lương khiến bạn tăng thêm động lực thì tăng bao nhiêu là đủ, và để khiến bạn vui vẻ thì tăng bao nhiêu lâu. “Tôi không tin rằng việc tăng lương sẽ trở thành động lực mãi mãi cho những anh chị em ở đây. Có một nhân viên đã từng chia sẻ với tôi rằng ‘lòng người là vô đáy’. Hôm nay lương 5 triệu bạn cảm thấy 10 triệu sẽ vui hơn, nhưng đến khi bạn được 10 triệu thì lại cảm thấy 50 triệu mới là mức đủ, lúc đạt được rồi thì 60 triệu là con số bạn mong muốn và cứ thế không có điểm dừng.

Có một câu nói rất nổi tiếng rằng ‘Cái gì đưa chúng ta đến đây thì không thể đưa chúng ta đi tiếp được nữa’. Có nghĩa là chúng ta của hôm nay khác với ngày mai và ngày sau nữa. Một điều rõ ràng chúng ta phải thay đổi. Tôi để ý rằng có rất nhiều người khi đã đạt đến một mức lương cao họ bắt đầu cảm thấy chán nản, điều này thậm chí xảy ra nhiều ở những đất nước phát triển, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc.”

Thứ ba, sự kết nối trong cùng một hệ thống, cùng nhau nỗ lực và hỗ trợ để đi lên. Khi bạn thức dậy từ 5 giờ sáng để làm việc, cố gắng không ngừng nghỉ xuyên suốt một tuần hay không dám nghỉ ngơi dù chỉ một chút nhưng đó chỉ là tốt cho công việc của bạn, liệu nó còn có hiệu quả? Đó chỉ là sự rời rạc, đơn lẻ và cục bộ. Sức mạnh tập thể là một trong những điều quan trọng để đạt được mục tiêu chung. Chỉ cần thiếu đi một mắt xích trong một tập thể chắc chắn sẽ không thể làm những điều lớn lao và mục tiêu cuối cùng sẽ không thể đi đến được. 

Thứ tư, tâm thế sẵn sàng đương đầu và sẵn sàng thay đổi. Bởi lẽ thế giới ngoài kia đang chuyển động từng ngày từng giờ. Nếu chúng ta thiếu đi tâm thế này, không chấp nhận sự thay đổi hay không chịu thay đổi chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau. Chúng ta không thể mãi bình bình được, bắt buộc phải luôn nỗ lực đi lên, mạnh mẽ hơn, vận dụng trí óc nhiều hơn, phát huy nội lực tối đa, khai mở trí tuệ, khai mở tầm nhìn. Để xây dựng một điều gì đó trở nên to lớn hơn nó không dựa trên sự thiếu chủ động hay chầy bửa, ngay cả những nhà lãnh đạo.

Tất cả chúng ta cái quan trọng nhất vẫn là hướng vào bên trong, hướng vào nội lực của bản thân mình. Ở mỗi một cá nhân nội lực chính là tài sản vô cùng quý giá mà mình có. Hãy luôn vận dụng, khai mở những tiềm lực bên trong đang bị cất giấu. Bản thân tôi và Ban Giám đốc chắc chắn sẽ luôn luôn nỗ lực để khai mở tầm nhìn, trí tuệ để tìm ra đường hướng tốt đẹp nhất, chiến lược sáng suốt nhất để dẫn dắt chúng ta đi trên con thuyền thẳng tiến và vượt qua được mọi giông bão. Và qua đó sẽ mang lại hiệu quả cho tổ chức và từng cá nhân. Và nếu chúng ta bằng cách đó, bằng tâm thế đó và phương pháp đó chắc chắn sẽ chữa trị được căn bệnh thiếu động lực.